Những mâu thuẫn nội bộ của thương hiệu Gucci đã thành những “minh chứng” sống cho nhiều vở kịch và nhiều bộ phim nổi tiếng. Không chỉ thản nhiên “dạo bước” trong cuộc chiến gia tộc được gây dựng bởi các con của mình, mà Guccio Gucci – người sáng lập ra nhãn hiệu còn đóng góp như một “động lực” giúp sự cạnh tranh khốc liệt đó diễn ra ngày càng mạnh hơn. Tuy nhiên, do đâu mà anh em cùng lớn lên chung một nhà lại trở nên xung đột và không thể cứu vãn như thế, cùng Centimet theo dõi trong bài viết sau.
Sự hình thành thương hiệu Gucci
Guccio Gucci sinh ra trong một gia đình có truyền thống làm nghề đan nón rơm ở Ý, ông được kỳ vọng sẽ là người thừa kế cơ nghiệp của cha mẹ mình trước khi nó phá sản. Vào năm 17 tuổi, Gucci đã bị cha mình đuổi đi với hai bàn tay trắng, sau đó ông quyết định trốn trên chiếc tàu chuẩn bị nhổ neo tiến thẳng về nước Anh.

Tại đây, ông đã đặt chân vào một khách sạn xa hoa bật nhất của London và bắt đầu làm những việc tay chân như rửa chén, bồi bàn hay tệ hơn là nhân viên bấm cầu thang máy. Có được những cơ hội gần hơn với những vị khách sang trọng, ông đã nhanh chóng tìm hiểu và khám phá ra những đam mê của giới thượng lưu này là những chiếc túi xách bằng da xa xỉ.
Không đơn thuần là những phụ kiện mang theo bên người mà chúng còn là những “con dấu” quyền lực khẳng định vị trí của mình trong xã hội. Như thế, từ năm này qua năm khác, với sự nhạy bén cùng tư duy thẩm mỹ cao, ông đã thấu hiểu hơn về những thú vui của họ với những món hàng thủ công tinh xảo.

Sau vài năm làm việc tại nhà hàng, Guccio đã tiết kiệm được một khoản tiền đủ để quay về Ý và kết hôn với Aida Cavelli – là một người thợ may váy, sau đó ông tìm được một công ty Franzi chuyên sản xuất các chất liệu bằng da cao cấp.
Dưới sự chỉ dẫn của ông chủ, với sự nhanh nhạy của mình, Guccio đã trở nên thành thạo và tự đứng mở một cửa hàng túi xách cho riêng mình, lấy tên gọi là Valigeria Guccio Gucci. Với những năm kinh nghiệm tại London ông đã sửa chữa và chế tác ra những loại đồ da lấy cảm hứng từ truyền thống văn hóa đua ngựa.
Thương hiệu của ông đã thành công thu hút một số lượng lớn người mua thượng lưu, sang trọng với trọn bộ túi xách, găng tay, dây lưng và giày da cho người cưỡi ngựa. Kiểu móng ngựa và bàn đạp đã nhanh chóng trở thành cái đẹp và biểu tượng của nhà thời trang qua nhiều năm không ngừng nghỉ.

Tuy nhiên, sóng gió vẫn chưa dừng lại với ông, năm 1940, chế độ độc tài của của phát xít Ý bành trướng, đối mặt với những thiếu hụt từ nguồn nguyên liệu, Gucci đã tạo dựng lên một thương hiệu mới mang tính sáng tạo cao, ra mắt những sản phẩm được làm bằng tre, vải lanh, canvas,… Sự khan hiếm chất liệu vải da đã giúp cho thương hiệu Gucci lúc bấy giờ bất ngờ vượt mặt cả công ty cũ của mình và trở thành một trong những nhãn hiệu thời gian hàng đầu của nước Ý.
Kẻ sống sót sẽ là người chiến thắng và lợi răn dạy của người cha
Công việc bận rộn của cửa hàng đã lấy đi thời gian ở bên gia đình của Guccio Gucci. Bên cạnh đó tính cách hướng nội của mình cũng đã khiến bầu không khí hay tình cảm giữa cha con cũng dần trở nên lạnh nhạt. Dẫu vậy, cả bốn người con đều được truyền dạy lại một bài học “Kẻ sống sót sau cùng thì sẽ chiến thắng và sẽ là người tồn tại duy nhất”.
Theo Centimet được biết, Gucci còn có một thú vui là để bọn trẻ tự giám sát lẫn nhau đến khi những lời mách lẻo được vạch trần đến tai ông thì ông sẽ xuất hiện và ra tay trừng phạt. Theo thời gian, những thói quen ấy cũng đã hình thành trên người của những đứa trẻ khiến chúng quen cắn xé và cạnh tranh lẫn nhau.
Không chỉ hà khắc với con mình, Guccio Gucci còn là người nặng tư tưởng “trọng nam khinh nữ”, sự bất công này đã đè nặng lên Grimalda – người con gái đã hết lòng cống hiến cho kinh doanh của thương hiệu Gucci trong nhiều năm qua và còn dùng tất cả tiền tiết kiệm của mình giúp công ty trụ được trong thời kỳ có nguy cơ sắp phá sản. Nhưng đáp lại tấm lòng ấy, ông lại dành cho con gái mình một lời tuyên bố “Nếu con không tự đánh bại, tất cả tài sản sẽ được trao lại cho con trai, lời tuyên bố sắc lẹm này đã khiến Grimalda trực tiếp trở mặt với gia đình.

Trước khi qua đời, đúng với lời hứa vô tình của mình, năm 1953 ông đã để lại toàn bộ tài sản của mình thông qua di chúc chỉ gồm tên của ba người con trai. Vương triều Gucci giờ đây sẽ được tiếp nối bởi một thế hệ chỉ toàn sự tham vọng, mưu toan cắn xé lẫn nhau.
Xem thêm:
- BST Chanel Holiday 2021 N°5 – BST kỷ niệm hương thơm huyền thoại và tròn 100 năm tuổi
- Nhà mốt Gucci mang cảm hứng của vườn địa đàng vào trong bộ sưu tập trang sức mới nhất
Kết luận
Có ai biết rằng đằng sau thương hiệu Gucci có chỗ đứng vững chắc lại có chứa nhiều bí ẩn đến vậy. Mỗi một cá nhân trong gia tộc cũng như một quả bom hẹn giờ không biết đến khi nào cuộc nội chiến này sẽ kết thúc.