Gucci, một trong những thương hiệu thời trang xa xỉ được khao khát nhất hiện nay, từng khởi đầu với một cửa hiệu đồ da cao cấp được thành lập tại Florence, Italy vào năm 1920 bởi nhà thiết kế (NTK) Guccio Gucci.

Theo thống kê của Business Week, doanh thu của Gucci năm 2008 là 4.2 tỷ EURO, vị trí thứ 41 trong bảng xếp hạng “Thương hiệu toàn cầu hàng đầu năm 2009” của tạp chí Interbrand và duy trì thứ hạng cho tới năm 2014. Hiện tại, Gucci là thương hiệu thời trang bán chạy nhất tại Ý với 278 cửa hàng trực thuộc thương hiệu, có sản phẩm được bày bán tại nhiều cửa hàng nhượng quyền cũng như TTTM lớn.
Trong năm 2013, thương hiệu được định giá 12,1 tỷ đô la Mỹ, với doanh thu 4,7 tỷ đô la Mỹ. Trong danh sách các thương hiệu có giá trị nhất thế giới của Forbes, Gucci được xếp hạng thương hiệu có giá trị thứ 38, với giá trị thương hiệu là 12,4 tỷ đô la tính đến tháng 5 năm 2015.
Lịch sử thương hiệu
Thành lập vào đầu thế kỉ 20, Gucci giờ đây đã trở thành một trong những nhà sản xuất thành công nhất thế giới về hàng da, quần áo và các sản phẩm thời trang khác. Khi còn là một nhân viên khách sạn nhập cư ở Paris và sau đó là London, chàng trai trẻ Guccio Gucci (1881-1953) đã rất ấn tượng với những chiếc rương hành lý xa xỉ mà ông thấy trên tay những vị khách Urbane mang theo tại khách sạn Savoy.

Khi trở về quê hương Florence, Guccio Gucci đã mở một cửa hàng vào năm 1920, bán các mặt hàng làm từ da chất lượng với kiểu dáng cổ điển, lấy cảm hứng từ cuộc sống thượng lưu, môn thể thao polo và những quý ông châu Âu.
Cùng với ba người con trai của ông, Aldo Gucci (1905-1990), Vasco Gucci (1907-1975) và Rodolfo Gucci (1912-1983). Các cửa hàng của Gucci cung cấp các phụ kiện bằng da được chế tác tinh xảo bởi những nghệ nhân thủ công vùng Tuscan như túi xách, giày dép, mẫu loafer kinh điển cũng như những chiếc khăn lụa và đồ đệt kim đặc trưng.

Trong Thế chiến II, Gucci đã sản xuất túi xách bằng vải canvas thay vì da do thiếu hụt nguyên liệu. Tuy nhiên, chất liệu canvas này được phân biệt bằng biểu tượng chữ G kép đặc trưng, kết hợp với các dải sọc màu đỏ và xanh lá cây nổi bật. Aldo và Rodolfo Gucci tiếp tục mở rộng tầm nhìn của công ty vào năm 1953 bằng cách thành lập văn phòng tại thành phố New York.
Thập niên 50 và 60 là kỷ nguyên chín muồi với du lịch Ý sau những bộ phim như Roman Holiday và La Dolce Vita. Các cửa hàng Gucci cũng thu hút một lượng lớn khách hàng quốc tế. Các ngôi sao điện ảnh và du khách thượng lưu đã mang nét rù quến hào nhoáng của Hollywood đến với nước Ý, đồng thời cũng khiến Gucci thành biểu tượng thời trang quốc tế khi tạo dáng trong trang phục và phụ kiện của thương hiệu trên loạt các tạp chí nổi tiếng, góp phần làm tăng sự nổi tiếng của cái tên Gucci tại châu Âu và châu Mỹ.
Biểu tượng kinh điển mới
Bước sang thập niên 70, Gucci tiếp tục tung ra các dòng sản phẩm phụ kiện như kính mắt, thắt lưng, đồ trang sức và đồng hồ. Biểu tượng 2 chữ G lồng vào nhau được sử dụng thường xuyên trên các mẫu thiết kế, để lại dấu ấn mạnh mẽ và khác biệt trong lòng những người yêu thời trang như một nét xa xỉ và hào hoa kiểu Ý. Những đôi giày Moccasin với chi tiết móc trang trí lấy cảm hứng từ đai yếm ngựa nổi tiếng vượt khỏi biên giới nước Ý và được các quý ông thời thượng ưa chuộng.

Tuy nhiên, Gucci cũng trải qua những năm tháng không mấy khởi sắc trong thập niên 80 và phải đến khi NTK tài năng Tom Ford được bổ nhiệm vào vị trí giám đốc sáng tạo vào năm 1990 thì Gucci mới thực sự vực dậy. Tư duy thiết kế táo bạo, gợi cảm và thậm chí gây sốc của Tom Ford thực sự đem lại một luồng gió mới cho ngành công nghiệp thời trang lúc bấy giờ. Kết hợp với kĩ thuật thủ công và bí quyết làm đồ da truyền đời, Gucci bước lên vị trí của một thương hiệu thời trang có sức ảnh hưởng lên toàn cầu.

Gucci của Hiện tại
Năm 2015, NTK Alessandro Michele thay thế Frida Giannini để ngồi vào vị trí Creative Director danh giá, một lần nữa kéo Gucci khỏi thời kì ảm đạm “hậu Tom Ford”. Với một tinh thần thời trang lãng mạn, bay bổng, sự nhạy bén và thấu hiểu với thế hệ khách hàng xa xỉ mới, Alessandro Michele đã biến một thương hiệu Gucci danh giá song có phần gợi cảm “kiểu cũ” thành một cái tên cá tính, một biểu tượng của làn sóng văn hoá “cool” streetwear, một trend-setter đích thực khiến cả thế giới phải mỏi mắt ngóng chờ và khao khát sở hữu.

Điều đáng nói là, khách hàng vẫn thấy ở Gucci sự xa xỉ và hào nhoáng vốn có, những giá trị mang tính di sản đã gây tiếng vang từ thời “khai quốc” như loafer horsebit, chất liệu GG supreme canvas, dải sọc web xanh lá – đỏ, logo hai chữ G lồng vào nhau… Chúng là những dấu hiệu bảo chứng cho một tên tuổi có lịch sử lâu đời, chất lượng thủ công tuyệt vời, cổ điển xen lẫn hiện đại, thời thượng mà trẻ trung, năng động. Sự thành công của Gucci đã chứng tỏ một điều, phong độ có thể nhất thời nhưng đẳng cấp thì chắc chắn là mãi mãi!
